Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW

Ngày 05 tháng 3 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết số 26/NQ-CP gồm 3 phần chính: (1) Mục đích, yêu cầu; (2) Nội dung, giải pháp; (3) Tổ chức thực hiện và Phụ lục là Bảng tổng hợp danh mục các đề án, dự án, nhiệm vụ nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết, cụ thể như sau:

1.  Mục đích, yêu cầu 

a) Mục đích

(i) Đối với Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện và phân công cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương có liên quan.

(ii) Đối với Kế hoạch 5 năm đến năm 2025

Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025 nhằm triển khai các chủ trương lớn, khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với năng lực và khả năng huy động các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và viện trợ phát triển.

Thực hiện tốt Kế hoạch 5 năm đến năm 2025 là điều kiện căn bản và quan trọng để thực hiện thành công Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

b) Yêu cầu

(i) Yêu cầu chung

Quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện các nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW trong suốt quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ.

Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế biển Việt Nam, xây dựng thương hiệu biển Việt Nam; tạo được sự bứt phá về khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý các vùng biển, ven biển và hải đảo; bảo đảm tính khả thi trong huy động và sử dụng nguồn lực, phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước.

Bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

 (ii) Yêu cầu cụ thể

Triển khai đồng bộ các giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW, trên cơ sở xem xét một cách khách quan, toàn diện năng lực triển khai, điều kiện thực hiện của từng bộ, ngành, địa phương.

Đa dạng hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, viện trợ phát triển phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Bảo đảm tích hợp, lồng ghép, không trùng lặp, liên tục và kế thừa kết quả thực hiện trong giai đoạn trước của các nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương. Xác định một số nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn 2026 - 2030.

2. Về nội dung, giải pháp

Để đạt được các Mục đích, yêu cầu nêu trên, Nghị quyết số 26/NQ-CP đã đề ra 06 Nội dung và giải pháp chính cho Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch 5 năm đến năm 2025, bám sát các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá, giải pháp chủ yếu, cụ thể gồm có: (i) Về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; (ii) Về phát triển kinh tế biển, ven biển; (iii) Về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; (iv) Về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; (v) Về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; (vi) Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

3. Về tổ chức thực hiện

Dự thảo Nghị quyết số 26/NQ-CP đã nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả.

Đề nghị Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tuyên truyền trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP.

Kèm theo dự thảo Nghị quyết số 26/NQ-CP là Phụ lục danh mục các đề án, dự án, nhiệm vụ cụ thể của kế hoạch 5 năm đến năm 2025 và kế hoạch tổng thể đến năm 2030 được giao trách nhiệm cho các cơ quan có liên quan chủ trì thực hiện.

Trước đó, ngày 06 tháng 02 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 203/QĐ-TTg về việc thành lập Uỷ ban chỉ đạo quốc gia về việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành tập trung, thống nhất về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.  Ngày 04 tháng 12 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg.

Cùng với những quyết định trên đây và việc phê duyệt Chương trình trọng điểm về điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ , Nghị quyết số 26/NQ-CP là cơ sở, tiền đề để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong bối cảnh tình hình mới nhiều biến động hiện nay, thiết nghĩ, việc triển khai thực hiện Nghị quyết cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị và của người dân, coi đó là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội.

Chi tiết Nghị quyết số 26/NQ-CP xin mời xem Tại đây.

  • 3/5/2020 3:01:19 PM